Móng nhà là phần kết cấu xây dựng nằm dưới cùng và sâu trong lòng đất của công trình. Có nhiệm vụ chính là chịu tải, gia tăng sự kiên cố và vững chắc cho công trình xây dựng. Tùy theo tính chất đất mà kỹ sư xây dựng sẽ tính toán và đưa ra loại móng phù hợp. Các loại móng nhà phổ biến hiện nay là:
Móng đơn: Hay còn gọi là móng cốc, đây là loại móng có một cột hoặc một cụm cột hỗ trợ đứng gần nhau. Loại móng này thường được sử dụng cho các công trình nhà cấp 4 quy mô nhỏ và địa chất cứng. Móng đơn có thể cứng hoặc mềm hoặc kết hợp cả hai.
Móng băng: Có dạng một dải dài độc lập hoặc giao nhau theo hình chữ thập để đỡ cho tường và cột của ngôi nhà. Khi thi công, người ta sẽ đào móng xung quanh hoặc song song với khuôn viên. Loại móng này được sử dụng nhiều nhất bởi kỹ thuật đào móng nhà đơn giản, chi phí thấp và độ lún đều. Chúng cũng thích hợp sử dụng để cải tạo các ngôi nhà có diện tích nhỏ và chi phí thấp.
Móng bè: Đây là loại móng nông, thường được thi công ở các khu vực có đất nền yếu để giảm áp lực. Chúng được xem là loại móng an toàn và có hiệu quả cao nhất trong việc phân bố đều trọng tải, hạn chế tình trạng sụt lún.
Móng cọc: Gồm có 2 bộ phận là cọc và đài cọc để truyền trọng lực từ công trình xuống đất nền. Người ta thường sử dụng cọc bê tông đẩy sâu xuống đất. Móng cọc thường được dùng cho các công trình lớn, đất nền yếu, lún nhiều và dễ xảy ra sạt lở.
2. Quy trình kỹ thuật đào móng nhà
2.1. Chọn loại móng nhà phù hợp
Bước đầu tiên trong kỹ thuật đào móng nhà là phải chọn loại móng phù hợp. Thông thường, khi chọn móng, chủ đầu tư thường quan tâm đến các yếu tố sau:
Tải trọng công trình: Số tầng càng nhiều thì tải trọng ngôi nhà càng lớn. Bên cạnh đó, nhà có kết cấu bê tông cốt thép sẽ tác động lớn hơn so với nhà xây bằng gạch hay kết cấu thép lắp ghép.
Đặc điểm đất nền: Quá trình khảo sát địa chất cần được tiến hành cẩn thận để tìm hiểu đặc điểm của lớp đất nền, loại đất, độ dày của đất, độ cao mực nước ngầm,.... Đặc biệt là khả năng chịu tải của đất theo độ sâu. Những đặc tính này sẽ giúp ta lựa chọn loại móng phù hợp, đảm bảo chất lượng công trình sau này.
Kết cấu móng của các công trình lân cận: Nếu công trình được xây dựng trong khu vực địa chất giống nhau, kết cấu và kiểu dáng giống nhau thì có thể lựa chọn giải pháp thi công móng của công trình trước đó.
2.2. Giải phóng mặt bằng và bố trí nhân lực, vật lực
Đây là bước thứ 2 trong quy trình kỹ thuật đào móng nhà. Giải phóng mặt bằng bao gồm phá dỡ công trình cũ, vận chuyển rác thải, dọn dẹp mặt bằng để chuẩn bị thi công. Công việc này tốn khá nhiều thời gian nên cần có kế hoạch cụ thể để đảm bảo đúng tiến độ.
Tiếp đó, chủ đầu tư cần chuẩn bị về vật tư và nhân công để đảm bảo hiệu quả công việc. Đó là các phương tiện máy móc như máy đào, máy xúc, đường điện, nguồn nước cấp,...
2.3. Thực hiện đào móng
Sau khi định vị công trình, giác móng và xác định chiều sâu móng phù hợp, có thể tiến hành đào móng với nhân lực và máy móc đã chuẩn bị.
Giác móng là công việc định vị các góc của ngôi nhà. Đây là một bước quan trọng trong kỹ thuật đào móng nhà. Bởi chỉ cần một sai sót nhỏ có thể khiến cho ngôi nhà không còn vuông vắn.
Sau đó, tiến hành đào móng theo loại móng đã lựa chọn trên bản vẽ kỹ thuật. Quá trình này sẽ được kỹ sư xây dựng giám sát chặt chẽ, đảm bảo kết cấu móng ổn định.
Trong khi đào móng, gặp mạch nước ngầm là điều không thể tránh khỏi. Vì nên cần bơm hết nước trong móng ra. Sau đó, đệm một lớp cát sạch để làm khô móng.
Nguồn: xaydunganhhieu