» Tình trạng khan hiếm nguồn cung vật liệu xây dựng tại Kon Tum đang khiến giá gạch tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây. Nhiều công trình dân dụng và dự án xây dựng lớn nhỏ đều bị ảnh hưởng, buộc các nhà thầu phải tính toán lại chi phí hoặc tạm ngừng thi công để chờ giá ổn định. Diễn biến này cho thấy những áp lực đáng kể đối với ngành xây dựng địa phương.
Gạch xây dựng hiện đang là mặt hàng “nóng” nhất trên thị trường vật liệu. Giá tăng mạnh từ sau Tết, nhưng điều đáng nói là dù sẵn sàng trả giá cao, nhiều hộ vẫn không thể mua được gạch. Tình trạng khan hiếm diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ghi nhận tại một số công trình dân dụng, giá gạch từ mức 1.850 đồng/viên đầu mùa xây dựng đã tăng lên 2.100 đồng/viên chỉ sau chưa đầy 10 ngày.
Sự thiếu hụt nguồn cung khiến nhiều chủ nhà, nhà thầu rơi vào thế bị động, buộc phải dừng thi công hoặc điều chỉnh thiết kế để tiết kiệm chi phí. Ông Trần Thanh Dũng, xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi) cho biết, gia đình dự kiến xây nhà mới với kinh phí khoảng 500 - 600 triệu đồng. Nhưng từ khi bắt đầu làm móng đến giờ giá vật liệu tăng mạnh, nhất là gạch, khiến chi phí có thể đội lên trên 700 triệu. Thợ đã nghỉ làm 2 ngày nay vì không có gạch để xây tiếp.
Giá gạch trên địa bàn tỉnh Kon Tum liên tục tăng trong những ngày qua.
Không chỉ hộ ông Dũng, nhiều người dân khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Anh Bùi Văn Thành ở xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy) chia sẻ, gia đình khởi công xây nhà cuối tháng 2, nhưng thi công được vài hôm thì hết gạch. Gọi cho đại lý thì họ cứ hẹn, 2 ngày nay vẫn chưa có hàng. Giá gạch thì tăng từng ngày, các loại vật liệu khác như sắt, thép, cát cũng không nằm ngoài xu hướng, tăng từ 20 - 40% so với năm ngoái. Điều này khiến người dân dù có tiền vẫn phải cân nhắc lại quy mô công trình, thậm chí cắt giảm chất lượng một số hạng mục để không vượt quá khả năng chi trả.
Các đại lý cung cấp vật liệu xây dựng cũng không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn. Anh Nguyễn Tiến Luật, chủ đại lý Tiến Luật tại thị trấn Sa Thầy, cho biết, năm nay vật liệu tăng giá liên tục. Riêng gạch tăng khoảng 500 đồng/viên, nhưng có lúc đưa xe xuống lò từ 3 giờ sáng mà phải chờ đến hôm sau mới đủ hàng để giao cho khách. Nguồn cung không theo kịp nhu cầu, nhiều hộ dân phải hoãn hoặc tạm dừng thi công. Một số khách nợ tiền vật liệu vì vượt quá dự toán ban đầu, đại lý như chúng tôi cũng gặp khó khăn.
Theo anh Luật, năm 2024 là năm người dân được mùa, được giá nông sản, cộng với việc các địa phương đẩy mạnh phong trào xoá nhà tạm, nhà dột nát sau Tết nên nhu cầu xây dựng tăng đột biến. Các lò gạch không kịp sản xuất, giá bị đẩy lên cao nhưng hàng vẫn khan hiếm.
Tình trạng khan hiếm và giá vật liệu tăng không chỉ gây khó cho người dân, nhà thầu, đại lý mà còn ảnh hưởng đến tiến độ các chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Nhiều tiêu chí liên quan đến nhà ở, hạ tầng bị chậm triển khai. Trong khi đó, mùa mưa đang đến gần, nếu không sớm có giải pháp cân đối nguồn cung và ổn định giá cả, khó khăn sẽ còn tiếp diễn và lan rộng. Thị trường xây dựng địa phương đang cần những chính sách điều tiết kịp thời để tránh tình trạng mất kiểm soát kéo dài.
ximang.vn
Bài viết tương tự
»» Nhiều công trình tại Thanh Hóa đình trệ vì giá cát tăng đột biến
»» Giá cát xây dựng tại miền Trung tăng cao do khan hiếm nguồn cung
»» Giá vật liệu xây dựng tăng cao tại Gia Lai ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng
Chia sẻ nhận xét về sản phẩm