» Thời gian gần đây, thị trường vật liệu xây dựng tại tỉnh Gia Lai ghi nhận tình trạng giá cả liên tục tăng cao, gây ra nhiều trở ngại cho các công trình xây dựng đang triển khai trên địa bàn.
Mùa khô là thời điểm nhu cầu xây dựng và sửa chữa nhà cửa tăng mạnh, trong khi nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Điều này khiến giá các loại vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai như gạch, đá, cát đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Theo ghi nhận, giá thép cuộn dao động từ 14.700 - 15.650 đồng/kg, thép vằn từ D10 đến D25 có giá 95.000 - 677.000 đồng/cây, xi măng khoảng 1,6 - 1,8 triệu đồng/tấn, đá xây dựng từ 340.000 - 360.000 đồng/m³, cát xây tăng gần 100.000 đồng/m³, gạch tăng 700 - 800 đồng/viên. Việc giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều hộ gia đình gặp khó khăn trong xây dựng nhà ở, khi chi phí thực tế có thể tăng từ 15 - 20% so với dự kiến ban đầu. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng như đá móng đã làm chậm tiến độ xây dựng, có lúc người dân phải chờ nhiều ngày mới có hàng.
Các chủ thầu xây dựng cho biết, chi phí vật liệu xây dựng chiếm 65 - 70% giá trị công trình, nên việc tăng giá liên tục đã làm đội chi phí lên rất nhiều so với kế hoạch. Trong khi đó, các chương trình hỗ trợ nhà ở cũng gặp trở ngại lớn. Tại một xã thuộc huyện Chư Pưh, có đến 142/164 hộ dân không đủ khả năng đối ứng kinh phí, trong khi giá vật liệu xây dựng tăng khiến chi phí xây dựng mỗi căn nhà đội thêm 20 - 30 triệu đồng. Tình trạng này gây khó khăn cho việc triển khai các dự án an sinh xã hội tại địa phương.
Theo các đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng, nguyên nhân chính của việc tăng giá là do nhu cầu xây dựng tăng cao. Doanh thu của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã tăng mạnh, thậm chí lên đến 150 - 200% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá các mặt hàng như xi măng, sắt thép có tăng nhưng không đáng kể so với các loại vật liệu khác. Thực trạng giá vật liệu xây dựng tăng không chỉ ảnh hưởng đến các hộ dân mà còn đặt ra thách thức lớn cho các địa phương trong việc thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở.
Trước tình trạng này, các cơ quan quản lý địa phương đang tăng cường công tác kiểm tra, điều tiết thị trường nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, hạn chế tình trạng đầu cơ, đội giá bất hợp lý. Đồng thời, các nhà thầu và chủ đầu tư cũng được khuyến cáo cần thường xuyên theo dõi, cập nhật biến động giá để kịp thời điều chỉnh kế hoạch đầu tư và xây dựng hợp lý, tránh phát sinh chi phí không đáng có.
ximang.vn
Bài viết tương tự
»» Nhiều công trình tại Thanh Hóa đình trệ vì giá cát tăng đột biến
»» Kon Tum thiếu nguồn cung, giá gạch tăng cao
»» Giá cát xây dựng tại miền Trung tăng cao do khan hiếm nguồn cung
Chia sẻ nhận xét về sản phẩm