» Hiện nay, giá vật liệu xây dựng như xi măng, cát, đá... đang tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm. Điều này khiến nhiều nhà thầu gặp khó khăn, không kịp tiến độ các công trình đang thi công.
Thị trường vật liệu xây dựng tại Tiền Giang đang đối mặt với tình trạng căng thẳng chưa từng có: giá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm, khiến các doanh nghiệp xây dựng lâm vào cảnh khó khăn, nhiều dự án nguy cơ trễ tiến độ hoặc đội vốn. Trong bối cảnh địa phương đang bước vào cao điểm thi công hạ tầng, đây là một thách thức lớn cho cả nhà thầu lẫn cơ quan quản lý.
Từ đầu mùa khô đến nay, nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tăng vọt, nhất là tại các công trình sử dụng vốn đầu tư công như đường giao thông, cầu cống. Tuy nhiên, thay vì sôi động, thị trường lại đang nghẹt thở vì thiếu nguồn cung. Giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng mạnh như xi măng tăng thêm 2.500 đồng/bao 50 kg; đá xây dựng các loại tăng từ 40.000 - 60.000 đồng/m³ so với cùng kỳ năm trước; đá 1x2 hiện dao động từ 460.000 - 540.000 đồng/m³; đá 0x4 khoảng 320.000 đồng/m³. Tuy nhiên, giá không còn là rào cản lớn nhất mà là không có hàng để mua.
Theo ông Nguyễn Hữu Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Triệu Cang (huyện Châu Thành), doanh nghiệp ông đang “chạy đôn chạy đáo” kiếm đá phục vụ các công trình đã trúng thầu. Đá khan hiếm, làm đường nhựa, bê tông đều bị chậm tiến độ. Các mỏ đá ưu tiên cho dự án quốc gia như đường vành đai, cao tốc. Chúng tôi vào lấy rất khó, sà lan phải nằm chờ 3 - 4 tuần mới có một chuyến hàng, ông Lợi chia sẻ.
Áp lực đè nặng lên các nhà thầu khi giá trúng thầu thường cố gắng hạ thấp để cạnh tranh, nhưng thực tế thi công lại bị đẩy giá lên do thị trường biến động. Với công trình giao thông, vật liệu đá có thể chiếm đến 60% giá trị. Dự toán ban đầu không lường được mức tăng giá hiện nay khiến nhiều nhà thầu thi công cầm chừng, thậm chí chấp nhận lỗ.
Không riêng gì nhà thầu, các doanh nghiệp sản xuất bê tông tươi, vốn phụ thuộc trực tiếp vào cát, đá cũng rơi vào thế bí. Ông Đặng Hữu Biên, Giám đốc Công ty TNHH Hữu Biên chia sẻ, mấy ngày nay phải ra tận Vũng Tàu, Bình Dương, nằm cả tuần mới mua được 1 - 2 sà lan đá. Giá cao, tính cả phương án đi biển ra Ninh Thuận, Bình Thuận mà vẫn chưa ổn. Không có đá, xe giao hàng chỉ còn hơn 100 m³/ngày, trước đây là vài trăm.
Trong khi đá hiếm vì các mỏ giảm trữ lượng hoặc ưu tiên công trình trọng điểm, thì nguồn cát tại chỗ, dù Tiền Giang có nhiều mỏ trên sông Tiền cũng không đủ dùng. Phần lớn cát nội địa hiện nay được dành cho các dự án quốc gia, khiến doanh nghiệp và người dân địa phương phải trông vào cát nhập khẩu từ Campuchia.
Giá cát xây dựng nhập từ Campuchia hiện dao động khoảng 240.000 - 270.000 đồng/m³ tùy khoảng cách vận chuyển. Một chủ sà lan chuyên nhập cát từ Campuchia cho biết, cát giờ rất hiếm, bên đó khai thác có hạn, sắp tới có thể còn khó hơn nữa. Hàng mang về chủ yếu cung cấp cho trạm trộn bê tông, bãi vật liệu, nhưng cũng thiếu trầm trọng.
Sự thiếu hụt vật liệu xây dựng không chỉ khiến doanh nghiệp điêu đứng mà còn đe dọa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2025, Tiền Giang có kế hoạch giải ngân hơn 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với thực trạng vật liệu khan hiếm như hiện nay, nhiều công trình thi công chậm, khó hoàn thành đúng hạn.
Đây không phải là lần đầu thị trường vật liệu xây dựng rơi vào thế mất cân đối cung - cầu, nhưng mức độ năm nay được đánh giá là “nóng” và kéo dài hơn nhiều năm trước, đặc biệt với nhóm vật liệu đá và cát. Để tránh đứt gãy chuỗi thi công, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình quan trọng và hoạt động của doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc. Về lâu dài, cần đánh giá lại khả năng khai thác và phân phối vật liệu tại chỗ, xem xét việc khai thác hợp lý các mỏ cát còn lại trên sông Tiền để phục vụ cho cả nhu cầu trong tỉnh và các dự án lớn.
Việc đảm bảo nguồn cung vật liệu ổn định, minh bạch là điều kiện cần thiết để giữ cho thị trường xây dựng không “vỡ trận”, đồng thời bảo vệ hiệu quả đầu tư công và sự sống còn của doanh nghiệp địa phương.
ximang.vn
Chia sẻ nhận xét về sản phẩm